Chiều ngày 28/5, một cháu bé 4 tuổi được phát hiện tử vong dưới hố công trình không đậy nắp ở đường ven biển đoạn qua thôn Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Hố công trình nơi tìm ra thi thể cháu bé được thi công từ lâu nhưng không có nắp đậy, rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm. Trước đó một ngày, tại khu phố Phước Hải, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cháu T. T. H. (4 tuổi), trong khi tắm mưa, rơi xuống đường cống bị nước cuốn trôi ra con suối ở gần nhà mất tích. Cho đến nay, vẫn chưa tìm ra xác cháu bé.
Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn trẻ em bị rơi xuống hố thoát nước, cống công trình mà hậu quả tử vong rất thương tâm. Thế nhưng, đến nay những sự cố này vẫn tiếp diễn khiến dư luận rất bức xúc và thắc mắc trách nhiệm của các đơn vị thi công công trình đến đâu?
Có thể nói rằng, đối với những công trình đang hoặc đã thi công mà khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm có thể thuộc về đơn vị thi công công trình hoặc đơn vị có trách nhiệm quản lý, giám sát, duy tu, bảo dưỡng, bảo hành công trình, thậm chí là chủ đầu tư.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khi thi công các công trình được coi là nguồn nguy hiểm thì đơn vị thi công, đơn vị quản lý, chủ đầu tư phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ giai đoạn khảo sát đến thiết kế, thi công xây dựng công trình và các biện pháp che chắn, bảo vệ, cảnh báo, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường để quá trình thi công được thực hiện đúng, đầy đủ và an toàn theo quy định pháp luật về xây dựng. Trong trường hợp công trình đã xây dựng và được đưa vào sử dụng thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương trong quá trình nghiệm thu hoàn thành công trình, kiểm tra phát hiện xử lý nếu có hành vi sai phạm cũng sẽ được đặt ra.
Luật Xây dựng quy định chủ đầu tư có nghĩa vụ kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường. Nhà thầu thi công xây dựng có nghĩa vụ tuân thủ yêu cầu đối với công trường xây dựng; bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường; lập và trình chủ đầu tư phê duyệt thiết kế, biện pháp thi công, trong đó quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình. Nhà thầu thi công xây dựng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và phương tiện ra vào công trường. Nghiêm cấm hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng, chống cháy, nổ, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường trong xây dựng.
“Do đó, trong vụ việc trên cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ nguyên nhân gây nên cái chết của cháu bé. Nếu xác định do cháu bé ngã xuống miệng cống không có nắp đậy gây ra tử vong thì cần làm rõ có hay không vi phạm về xây dựng cụ thể là vi phạm ở giai đoạn nào và trách nhiệm thuộc cá nhân, tổ chức nào để có hướng xử lý phù hợp”, Luật sư Cường nói.
Luật sư cũng cho biết, trường hợp có vi phạm về xây dựng công trình như cống thoát nước đã làm xong nhưng đơn vị thi công không làm nắp đậy (do không thiết kế, thi công sai thiết kế,…), không có nắp đậy, cũng không có rào chắn và không có biện pháp cảnh báo như căng dây bao quanh miệng cống hoặc biển cảnh báo nguy hiểm dẫn đến gây tai nạn chết người thì có thể cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
“Tội vi phạm quy định về xây dựng là tội xâm phạm đến sự an toàn về xây dựng mà cụ thể là sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác. Do đó cần phải xác định có vi phạm hay không và nếu có vi phạm thì trách nhiệm thuộc về đơn vị nào trong các quá trình trên để truy cứu trách nhiệm hình sự. Với sai phạm về xây dựng thì có thể là sai phạm về thiết kế, thi công, ví dụ khi thiết kế có nắp cống đó hay không, quá trình thi công đã thực hiện đúng thiết kế hay chưa. Qúa trình nghiệm thu công trình đã đúng chưa, nếu công trình không đảm bảo chất lượng, không đúng thiết kế mà vẫn nghiệm thu là vi phạm quy định. Sau đó là đến các vấn đề về giám sát, quản lý, duy tu, bảo hành công trình, bảo đảm an toàn công trình. Nếu công trình đang trong quá trình thi công chưa hoàn thiện thì cống nước là một nguồn nguy hiểm, do đó đơn vị thi công đã tiến hành biện pháp cảnh báo nguy hiểm về xây dựng chưa? Nếu đã tiến hành biện pháp bảo vệ như căng dây, thanh chắn, đặt biển cảnh báo hoặc các biện pháp bảo đảm an toàn khác nhưng bị mất trộm, tháo trộm hoặc gió bão, triều cường, mưa lớn cuốn đi, gây hỏng,… thì lại là câu chuyện khác, khó xử lý hình sự trong trường hợp này được”, Luật sư Cường đánh giá.
Đồng thời, để khởi tố vụ án hình sự thì phải xem xét có hay không dấu hiệu tội phạm và phải chứng minh được có dấu hiệu tội phạm mà cụ thể ở đây là có hành vi thiếu trách nhiệm hay có vi phạm quy định về xây dựng hay không? Trường hợp rõ ràng cống nước đó là một nguồn nguy hiểm thường xuyên, chưa có nắp đậy nhưng đơn vị quản lý không làm rào chắn nguy hiểm, không cảnh báo dẫn đến tai nạn chết người thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp đơn vị có trách nhiệm, được giao trách nhiệm giám sát, duy tu, bảo dưỡng đã biết cống bị mất nắp, hư hỏng có thể gây nguy hiểm nhưng không sữa chữa, không khắc phục kịp thời mà để xảy ra tai nạn chết người thì cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ theo Điều 360 BLHS.
Về việc bồi thường, Luật sư Cường cho biết, trường hợp kể cả không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự thì đơn vị thi công đã được chủ đầu tư giao việc thi công, giám sát công trình hoặc có thể cả chủ đầu tư cũng có thể phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu bé tử vong. Trách nhiệm bồi thường dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
LÊ MINH