Đất vàng tại Hà Nội được biết đến là những khu đất có giá trị cao ngất và không phải ai cũng có thể sở hữu. Các lô đất này hội tụ nhiều yếu tố như vị trí đắc địa, vị trí giao thông thuận lợi, diện tích đủ lớn, gần trung tâm, có mặt tiền nhìn ra những con phố trung tâm của thủ đô…
Để sở hữu, các chủ đất phải bỏ ra một số tiền lớn.
Tại Hà Nội, những doanh nghiệp như Vingroup, Tân Hoàng Minh, T&T, BRG, Sungroup… được coi là đang sở hữu nhiều đất vàng nhất. Một số đã biến thành các công trình lớn, một số vẫn đang trong kế hoạch, thậm chí là bỏ hoang.
Vingroup
Vingroup nổi tiếng là doanh nghiệp có nhiều dự án bất động sản tại các vị trí đắc địa tại Hà Nội. Hai khu đô thị đã hoàn thành là Royal City và Times City - Park Hill từng là 2 lô đất vàng rộng lớn nằm cạnh trục vành đai 2 của thủ đô. Royal City rộng 13 ha nằm cạnh Ngã Tư Sở với trục đường Nguyễn Trãi rộng rãi đi vào trung tâm.
Times City - Park Hill rộng 36 ha nằm cạnh đường vành đai 2 Minh Khai và không xa cầu Vĩnh Tuy. Việc sở hữu một khu đất rộng tới 36 ha ngay trong lòng thành phố là một điều không phải ai cũng làm được.
Nhưng doanh nghiệp này còn có các dự án đất vàng nữa như Vinhomes Liễu Giai (quận Ba Đình), Vinhomes Green Bay; Vinhomes Sky Lake (Nam Từ Liêm)… đều nằm trên những ô đất vàng.
Còn có 2 lô đất vàng rất rộng lớn mà doanh nghiệp này chưa xây dựng.
Một dự án lớn của Vingroup xây dựng trên đất vàng tại Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn.
Lô thứ nhất nằm trên đường Nguyễn Trãi mà người Hà Nội hay gọi là “khu cao - xà - lá”. Đây vốn là vị trí nhà máy của Công ty cổ phần cao su Sao Vàng và Công ty thuốc lá Thăng Long và một nhà máy sản xuất xà phòng. Lô đất này có diện tích 11 ha và dự kiến cũng trở thành một khu đô thị hiện đại.
Một lô khác chính là Trung tâm triển lãm Giảng Võ trước kia với diện tích khoảng 6,8 ha. Đây là một trong những lô đất vàng hiếm hoi tại trung tâm Hà Nội, nằm ngay quận Ba Đình, gần trục đường Giảng Võ, Ngọc Khánh và nhìn ra hồ Giảng Võ.
Tân Hoàng Minh
Tân Hoàng Minh cũng là một trong những đại gia ôm nhiều đất vàng tại Hà Nội. Đơn vị này được cho là doanh nghiệp chuyên phát triển bất động sản siêu sang tại thủ đô.
Ngoài những dự án đang triển khai, Tân Hoàng Minh được cho là có 2 lô đất lớn vẫn còn bỏ hoang và nằm ngay tại trung tâm.
Một lô đất vàng bỏ hoang tại Hà Nội của Tân Hoàng Minh. Ảnh: Việt Linh.
Lô thứ nhất nằm tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, đối diện Tràng Tiền Plaza, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 100 m. Lô đất này từng được cho là có chi phí giải phòng mặt bằng cao ngất ngưởng, với giá khoảng 1 tỷ đồng mỗi m2. Tại đây, Tân Hoàng Minh từng tuyên bố kế hoạch xây dựng chung cư cao cấp, nhưng hiện tại vẫn quây tôn và bỏ hoang. Biển hiệu quảng cáo về doanh nghiệp này vẫn bao quanh khu đất nhưng đã có nhiều tin đồn về việc dự án đổi chủ.
Một lô khác có quy mô lớn hơn nằm tại đường Lò Đúc, trước kia là nhà máy rượu Hà Nội và Dệt kim Đồng Xuân. Tân Hoàng Minh được cho là đã thâu tóm khu đất vàng với diện tích khoảng 8.000 m2 này.
Nhưng khu đất này có tới 3 mặt tiền trên phố Lò Đúc - Hòa Mã - Nguyễn Công Trứ, hiện vẫn trong tình trạng bỏ hoang.
Tập đoàn T&T
T&T cũng là một đại gia nắm nhiều đất vàng tại Hà Nội. Bầu Hiển nổi tiếng có nhiều lô đất vàng như số 440 Vĩnh Hưng; 120 Định Công (quận Hoàng Mai); 273 Tây Sơn (quận Đống Đa); 18 Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng) và 52 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm).
Ngoài ra tại Ngân hàng SHB, bầu Hiển cũng đang sở hữu khu đất rộng 2.200 m2, có mặt phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Vọng Đức. Khu đất này nằm không xa hồ Hoàn Kiếm, ước tính trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng. SHB đang tính xây dựng trụ sở tại đây cao tới 15 tầng.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa đồng ý, bởi quy hoạch vùng nội đô không được phép xây tới 15 tầng.
Lô đất vàng của BRG ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của bầu Hiển cũng đang được giao quản lý Sân vận động Hàng Đẫy, một lô đất vàng rộng lớn nằm cách không xa quảng trường Ba Đình. Cuối năm nay, bầu Hiển tính xây dựng lại sân vận động Hàng Đẫy. Trong tổ hợp sân vận động sẽ được thiết kế có bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng… Lô đất này hứa hẹn là con gà đẻ trứng vàng cho bầu Hiển trong tương lai.
Tập đoàn BRG
Một doanh nghiệp khác cũng đang găm nhiều đất vàng tại Hà Nội là tập đoàn BRG. Tập đoàn này đang sở hữu đất vàng tại Khách sạn Thắng Lợi (cạnh hồ Tây) và xin xây dựng cao ốc 36 tầng.
Cuối năm 2014, BRG gây xôn xao thị trường khi mua lại vốn của khách sạn này. Giá trị mua không được công bố. Lô đất vàng nằm ngay cạnh hồ Tây này có diện tích lên tới 42.000 m2
BRG cũng được cho là sở hữu một lô đất nằm ngay cạnh hồ Hoàn Kiếm rộng gần 3.000 m2 tại 22-32 Lê Thái Tổ, vốn thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Intimex Việt Nam.
Từ năm 2009, Tập đoàn BRG đã bắt đầu chi tiền mua lại 11,59% vốn Intimex Việt Nam, bà chủ BRG sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT tại Intimex Việt Nam.
Đến năm 2015, khi SCIC chủ trương thoái toàn bộ 34,3% vốn tại doanh nghiệp này, Công ty Thung lũng vua (thành viên của BRG) đã chi ra hàng trăm tỷ mua lại toàn bộ số vốn, nâng sở hữu cả trực tiếp lẫn gián tiếp của BRG tại công ty này lên hơn 46%.
Đến tháng 7/2016, UBND TP. Hà Nội cho phép triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 phố Lê Thái Tổ, chính thức xóa sổ siêu thị Intimex.
BRG cũng mua lại và chi phối để gián tiếp sở hữu nhiều khu đất vàng của Tổng công ty thương mại và dịch vụ Hà Nội (Hapro).
Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam là đơn vị trực thuộc tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, chuyên kinh doanh ôtô nhãn hiệu Honda, được UBND TP. Hà Nội quyết định phê duyệt là nhà đầu tư chiến lược của Hapro.
Theo bản công bố thông tin của Hapro, trước cổ phần hóa Hapro đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần tiếp tục quản lý sử dụng 114 địa điểm, trong đó có 96 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội.
Nhiều chuyên gia cho rằng BRG nằm trong nhóm những doanh nghiệp có nhiều đất vàng nhất tại thủ đô.
Hà Nội tính hủy dự án quá 3 năm chưa thực hiện
Đầu năm 2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu các quận/huyện kiểm tra, rà soát lại, và có thể hủy các dự án đã quá 3 năm chưa thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhà là các khu “đất vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất của Nhà nước để chống thất thu ngân sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Đây được xem là quyết sách quyết liệt đối với các doanh nghiệp cố tình ôm đất, đặc biệt là các lô đất vàng, gây lãng phí cho xã hội.
Hiếu Công/ Zing.vn
Nguồn: https://news.zing.vn/ai-om-nhieu-dat-vang-ha-noi-nhat-post841751.html