Trong buổi Tọa đàm sáng 3/5, với chủ đề “Nhà ở hình thành trong tương lai, làm gì để hạn chế rủi ro”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nêu ra 4 thủ đoạn lừa khách mua nhà của một số doanh nghiệp hiện nay.
Thủ đoạn thứ nhất, là thay đổi tên của dự án. Đây là trường hợp những dự án “chết”, dự án dính tai tiếng trước đây được đổi tên để xóa dấu vết nhưng thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”.
Thứ hai là, thay đổi luôn cả tên chủ đầu tư. Trường hợp này cũng xảy ra với những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, bị báo chí phản ánh, sau đó đổi cả tên doanh nghiệp.
Thứ ba là làm lại quy hoạch 1/500, mà quy hoạch 1/500 tăng thêm những tiện ích không có thật (tức là lừa dối về mặt thông tin đối với khách hàng). Không những vậy, có những trường hợp doanh nghiệp tự ý thay đổi quy hoạch 1/500. Dù cơ quan chức năng chưa phê duyệt nhưng họ đã đem bán.
Thứ tư là, thủ đoạn tăng giá so với cam kết giữa các bên với nhau. Ví dụ như chủ đầu tư giao bán 300 triệu/ nền, nhưng đơn vị rao bán lên đến 400 - 500 triệu/nền. Cuối cùng không giao hợp đồng cho khách hàng, dẫn đến tranh chấp.
"Trên thị trường thời gian qua, từng tồn tại một vụ tranh chấp “kỳ lạ” khi đầu tư ế ẩm chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác bán. Đến khi dân vào ở, chủ đầu tư đầu tiên không cho dân gửi xe với lý do chỉ bán các khối tầng chung cư, thậm chí không cho vào chung cư vì nói không bán đường cho chủ đầu tư mới. Người mua chết dở sống dở giữa xung đột của hai doanh nghiệp", ông Châu cho biết.
Theo ông Nguyễn Đào Duy, Phó TGĐ của công ty LDG, BĐS cũng như những ngành nghề tiêu dùng khác trong nền kinh tế, vẫn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật và quy định liên quan. Tuy nhiên, điều khác biệt là các doanh nghiệp BĐS hiện nay bán các tài sản hình thành trong tương lai với các cam kết về chất lượng sản phẩm. Đối với sản phẩm này, khách hàng cần phải tỉnh tảo để nhìn nhận được đâu là tiềm năng đâu là rủi ro trong tương lai.
"Chúng ta cần có một bộ quy chuẩn chất lượng sản phẩm nhà ở, kiểu như gắn sao cho từng dự án mà trước nay vẫn hay bàn đến nhưng chưa thực hiện được. Từ đó, một khi khách hàng có dữ liệu tin tưởng từ các đơn vị có chức năng công nhận. Bằng hình thức đó khách hàng sẽ có thể phân loại được các chủ đầu tư, dự án nào có đáng phải bỏ tiền ra mua hay không", ông Duy nói thêm.
Cùng quan điểm trên, ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc công ty Him Lam Land cũng cho rằng: "Dưới góc độ của một doanh nghiệp địa ốc, chúng ta đang đứng trước câu chuyện làm sao các thông tin thị trường, dự án và cả chủ đầu tư đến được với khách hàng nhằm tránh rủi ro cho người mua nhà".
Theo ông Phúc, đối với các chủ đầu tư hiện tại, nếu đang kinh doanh trên thị trường thì ai cũng có quan điểm phải làm tốt, lý do là thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp có năng lực, có thương hiệu nhưng nếu đầu tư dự án kém chất lượng thì rõ ràng là các doanh nghiệp tự đào thải mình.
Đối với khách hàng, để chọn một sản phẩm BĐS hình thành trong tương lai tốt ông Phúc đưa ra 2 lời khuyên: "Thứ nhất, tới tận nơi tìm hiểu thông tin là một cách trực quan sinh động nhất sẽ giúp cho mỗi khách hàng không chọn nhầm chủ đầu tư hay dự án nhà ở. Thứ hai, cần tìm hiểu rõ về lịch sử chủ đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ pháp lý dự án".
"Sau tất cả, một dự án tốt phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của chủ đầu tư. Một chủ đầu tư có tâm là một chủ đầu tư có trách nhiệm với dự án của mình. Trách nhiệm từ khi khởi công xây dựng, mở bán đến khi dự án đã đi vào hoạt động. Đối với tất cả các dự án của Him Lam Land, nếu như khách hàng không hài lòng về chất lượng chúng tôi luôn lắng nghe, thậm chí khách hàng không muốn nhận nhà chúng tôi cũng sẵn sàng trả lại toàn bộ tiền và còn trả lãi theo lãi suất kỳ hạn theo đúng số tiền khách hàng đã thanh toán", ông Phúc nhấn mạnh.
Theo Trí thức trẻ